Hotline: 024 2200 9188
Menu

Mới đi vào hoạt động 2 trong tổng số 1.000 nhà vệ sinh công cộng

Khi mà các cấp chính quyền vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP về việc tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi “phóng uế” bừa bãi thì dự án 1.000 nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội cũng đang bị cho là...chậm như rùa.

 

Khi mà các cấp chính quyền vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện Nghị định 155/2016/NĐ-CP về việc tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi “phóng uế” bừa bãi thì dự án 1.000 nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội cũng đang bị cho là...chậm như rùa.

Dự án 1.000 nhà vệ sinh công cộng

Tháng 8.2016, UBND TP.Hà Nội đã họp và đồng ý cho công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing tài trợ hệ thống 1.000 nhà vệ sinh công cộng... Đổi lại, Vinasing được khai thác quảng cáo trong phạm vi cho phép, theo đúng các quy định của pháp luật trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong thòi gian 10 năm để thu hồi vốn, đồng thời, chịu trách nhiệm duy tu, duy trì các cầu vượt theo quy định.

Cụ thể, thông báo số 272/TB-UBND của UBND TP.Hà Nội đánh giá, đề xuất của Cty Vinasing là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của thành phố về việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư, huy động mọi nguồn lực của xã hội phục vụ cho phát triển và các hoạt động của thành phố.

UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu các nhà VSCC phải đồng bộ về trang thiết bị, đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan của từng địa điểm; sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường; thiết kế thoáng gió, sử dụng vòi nước tự động. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện công tác duy tu, duy trì, vận hành trong suốt quá trình hoạt động của các nhà vệ sinh công cộng này.

Mẫu nhà vệ sinh thử nghiệm trong dự án 1.000 nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội

Giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị liên quan và nhà đầu tư khảo sát địa điểm đặt nhà vệ sinh công cộng; thiết kế, phê duyệt đối với từng địa điểm cụ thế, đảm bảo công năng sử dụng, theo đúng quy trình quy định; triển khai ngay từng địa điểm.

Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện việc triển khai khảo sát, thiết kế quảng cáo tại các địa điểm cụ thể theo quy định; đồng thời, rà soát các quy định về quảng cáo thuộc thẩm quyền ban hành của UBND thành phố, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện.

Trong một sự kiện liên quan, sáng 14/10/2016, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch TP.Hà Nội đã đến thị sát mẫu nhà VSCC mới trên đường Trần Nhân Tông và được nhà đầu tư cam kết trước Tết Nguyên đán 2017 sẽ có 200 mẫu được đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố.

Chậm tiến độ?

Theo tìm hiểu của PV báo Công lý, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 2 trong tổng số 1.000 nhà vệ sinh trong dự án này được đưa vào hoạt động.

Liên quan đến việc gần nửa năm thực hiện dự án 1000 nhà vệ sinh công cộng nhưng mới chỉ đưa vào hoạt động đươc 2 nhà. Trao đổi với PV báo Công lý ông Lê Huy Long – Giám đốc điều hành dự án (Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing) cho biết, công ty đã sản xuất đủ 200 chiếc và chỉ chờ lắp đặt theo đúng tiến độ đã báo cáo với Chủ tịch UBND.TP Hà Nội.

Tuy nhiên, do vướng mắc trong vấn đề mặt bằng nên việc lặp đặt không được thuận lợi. “Lúc tìm được địa điểm rồi Chủ tịch Chung hỏi liệu xong được bao nhiêu nhà trước Tết? Chúng tôi báo cáo có thể xong 200 nhà. Nhưng thực tế khá khó khăn và còn tuỳ thuộc vào mặt bằng do thành phố bàn giao…” ông Long chia sẻ.

Mẫu nhà vệ sinh cho người khuyết tật

Vị Giám đốc này cũng cho biết, hiện tại đã có 31 nhà vệ sinh công cộng đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sử dụng. Theo kế hoạch ngày 20.3 công ty sẽ bàn giao cho thành phố 88 chiếc. Nhà đầu tư sẽ bàn giao 200 nhà đầu tiên cho công ty Môi trường Đô thị vận hành, phần còn lại đang bàn bạc, nhưng có xu hướng sẽ tự vận hành.

Được biết, ý tưởng đổi 1.000 nhà VSCC lấy quảng cáo đã được ban lãnh đạo công ty Vinasing nhen nhóm từ tận năm 2010, nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên thời điểm đó, do tính toán số lượng cầu vượt chưa thể thu hồi vốn nên công ty này tạm hoãn đến tận giữa năm 2016 mới đưa ra.

Hiện tại TP.HN đã bàn giao gần 500 vị trí cho Vinasing, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành. Kinh phí dự tính là 188 triệu đồng/ nhà, về diện tích, mỗi hệ thống nhà vệ sinh công cộng chiếm khoảng từ 6 đến 8m2. Dự kiến sẽ thu phí là 2.000 đồng/lượt. Với mức thu này, theo đánh giá của vị đại diện nhà đầu tư là không đủ trang trải công vận hành nhưng sẽ nâng cao ý thức người sử dụng.

Thực tế hiện nay, hệ thống nhà nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội còn rất thiếu và không đồng bộ. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tại toàn thành phố có khoảng 340 nhà vệ sinh công cộng được phân bố trên khu vực 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, trong số này có tới 263 nhà VSCC cố định phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể. Chỉ có hơn 100 nhà VSCC được lắp ghép bằng thép bố trí tại các địa điểm công cộng như điểm chờ xe buýt, công viên, vườn hoa, các khu vui chơi, giải trí công cộng khác...

Các bài viết khác

Call: 024 2200 9188